Bệnh viêm họng – Nguyên nhân và cách điều trị

Bệnh viêm họng hay bị khi thay đổi thời tiết, khi ăn uống đồ lạnh hay khi bị cảm lạnh. Đây là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu gây nên hiện tượng đau rát ở cổ họng, đặc biệt là khi nuốt. Bệnh viêm họng thông thường sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần mà không để lại biến chứng gì. Vậy viêm họng nguyên nhân chủ yếu gây nên là gì? Cách điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây của Bình Minh Medical sẽ giải thích cho các bạn.

Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm họng

Có 2 nguyên nhân chính gây ra viêm họng là do nhiễm virút hay vi khuẩn.

  • Nhiễm virút: nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm họng (chiếm 40 – 80%), sau khi bị mắc các bệnh do virút gây ra như: cảm, cúm, sởi…
  • Nhiễm vi khuẩn: nguyên nhân ít gặp hơn (chiếm 5 – 10%), do vi khuẩn streptococcus (liên cầu khuẩn) gây ra. Liên cầu khuẩn gây ra viêm họng với các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên (viêm thanh quản, viêm amiđan…).

Ngoài ra, viêm họng còn có thể do các nguyên nhân khác gây ra như: dị ứng (với phấn hoa, lông súc vật…), kích ứng với khói thuốc lá, thay đổi thời tiết, môi trường sống bị ô nhiễm, nói chuyện hay la hét nhiều, biến chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản…

Dấu hiệu nhận biết bạn bị viêm họng

Khi bị viêm họng bạn sẽ có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người (virus). Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt, môi khô, lưỡi bẩn (vi khuẩn). Cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm.

Khi khám, bác sĩ sẽ thấy niêm mạc họng đỏ, tăng xuất tiết; nếu do vi khuẩn trên niêm mạc họng và amidan sẽ có giả mạc màu trắng hoặc vàng xám bao phủ.

Bệnh viêm họng cấp thường diễn ra trong vòng 3 – 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt hoặc được điều trị đúng, bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh.

Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi), không được chữa trị kịp thời, bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phổi nặng hoặc trở thành viêm họng mạn tính. Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A, có thể gây nên bệnh thấp tim tiến triển hoặc viêm cầu thận cấp.

Các yếu tố nguy cơ mắc bệnh viêm họng

Tuổi tác: trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 5 – 15 tuổi) thường hay bị viêm họng do nhiễm khuẩn.

Dị ứng: người có cơ địa dị ứng với bụi, phấn hoa, nấm mốc… cũng dễ bị viêm họng.

Môi trường sống: người sống trong môi trường bị ô nhiễm hay nhiều khói thuốc lá cũng rất dễ bị viêm họng.

Bệnh lý: các bệnh lý viêm xoang, trào ngược dạ dày – thực quản… cũng dễ gây ra viêm họng.

Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu: tạo điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của virút, vi khuẩn gây ra viêm họng.

Biến chứng

Viêm họng do nhiễm khuẩn nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm amiđan… và đặc biệt nguy hiểm như: sốt thấp khớp (ảnh hưởng đến khớp và van tim), viêm cầu thận.

Cách điều trị  bệnh viêm họng

Có 2 cách điều trị bệnh viêm họng đó là đến bệnh viện lấy thuốc hoặc tự điều trị ở nhà

  • Sử dụng thuốc kê đơn

Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol, aspirin) thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng do viêm họng gây ra như: sốt, đau họng, khó nuốt.

Nhóm thuốc kháng viêm NSAID (ibuprofene, diclophenac…) thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) do viêm họng gây ra.

Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisolon, dexamthason, betamethason…): thường được sử dụng trong điều trị viêm họng ở tình trạng nặng.

Dung dịch súc miệng: trong thành phần thường có chứa các chất kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ. Giúp giảm đau và loại bỏ vi khuẩn ra khỏi miệng.

Thuốc viên ngậm trị đau họng: có tác dụng giảm đau và trị nhiễm khuẩn miệng, họng, trong thành phần thường có chứa kháng sinh, kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ.

Nhóm thuốc kháng sinh: thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm họng nhiễm khuẩn, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa các biến chứng. Các thuốc kháng sinh có thể sử dụng ở dạng thuốc viên hay thuốc chích.

  • Cách chữa trị tại nhà

Đối với trường hợp nhẹ, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp bạn khắc phục được chứng bệnh này. Dưới đây là một số cách chữa trị đơn giản ngay tại nhà, mà bạn có thể áp dụng ngay:

– Súc miệng bằng nước muối ấm: Muối có tác dụng sát khuẩn, làm giảm cảm giác đau rát đồng thời có tác dụng làm sạch khoang miệng rất tốt. Vì vậy, bạn có thể tự pha nước muối ấm ngay tại nhà để súc miệng.

– Uống trà gừng mỗi ngày: Gừng là một vị thuốc dùng trong Đông Y có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn. Ngoài ra gừng còn có khả năng làm sạch dịch đờm giúp thông thoáng mũi họng.

– Sử dụng máy tạo độ ẩm: Nếu không khí khô quá mức, các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn. Lúc này, chỉ cần điều chỉnh độ ẩm căn phòng bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm, nhất là trong phòng sử dụng điều hòa hoặc vào mùa hanh khô.

– Uống mật ong chanh: loại nước này cũng giúp cho việc đẩy lùi vi khuẩn, giảm ngứa rát.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *